Sa bàng quang là tình trạng rất dễ gặp hiện nay với phụ nữ sau sinh. Hiện tượng bị sa bàng quang khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và đau nhức. Nếu không phát hiện bệnh sa bàng quang và chữa trị kịp thời sẽ khiến cơ thể người bệnh gặp nhiều nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh sa bàng quang và cách chữa trị dưới đây để biết thêm nhiều thông tin của căn bệnh này.
1. Sa bàng quang là bệnh gì?
Sa bàng quang là hiện tượng suy yếu hoặc bị tổn thương hệ mô liên kết thành trước của âm đạo khiến bàng quang bị phình và sa ra ngoài. Tương tự như sa tử cung, sa bàng quang cũng được chia tình trạng bệnh ở các mức độ khác nhau, cụ thể là 4 mức độ dựa trên tình trạng bàng quang sa ra ngoài âm đạo:
- Bệnh mức độ nhẹ: Chỉ một phần nhỏ bàng quang sa xuống âm đạo.
- Bệnh mức độ vừa phải: Bàng quang vừa tiếp xúc đến lỗ âm đạo.
- Bệnh mức độ nặng: Bàng quang nhô ra khỏi âm đạo.
- Bệnh mức độ nghiêm trọng: Toàn bộ bàng quang bị đưa hết ra ngoài.
Với những người bệnh ở mức độ nhẹ, thường bệnh nhân chỉ cần tập một số bài tập đơn giản thì bệnh tình sẽ tự khỏi. Nếu bệnh sa bàng quang ở mức độ nặng, chúng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể nếu không chữa trị kịp thời.
2. Nguyên nhân bị sa bàng quang
Các mô và dây chằng cùng ở cơ quan sàn chậu có tác dụng hỗ trợ bàng quang và các cơ quan khác ở đúng vị trí của chúng. Do một số tác động khác nhau mà hệ thống này bị yếu đi, gặp trục trặc nên không thể nâng đỡ, khiến bàng quang bắt đầu sà xuống âm đạo. Một số lý do khiến cho cơ quan này bị xấu đi là:
Phụ nữ đang mang thai hoặc sinh con: Khi mang thai, các cơ quan vùng chậu luôn ở trạng thái bị căng kéo dài, điều này khiến khả năng đàn hồi và cố định bàng quang bị giảm sút. Sau quá trình mang thai và sinh nở, sa bàng quang rất dễ xảy ra nếu chị em phụ nữ không nghỉ ngơi và hoạt động khoa học.
Phụ nữ ở tuổi mãn kinh: Thời điểm này nồng độ nội tiết của phụ nữ dần dần bị giảm. Điều này khiến cơ quan ở vùng âm đạo mất khả năng đàn hồi và rắn chắc. Các cơ này giãn ra và mất khả năng nâng đỡ được bàng quang khiến bàng quang sa vào âm đạo.
Người bị bệnh béo phì, tăng cân không kiểm soát: Hiện tượng này khiến trọng lượng cơ thể tăng vượt quá bất thường vô hình tạo áp lực lên các cơ quan ở vùng sàn chậu và dễ gây nên tình trạng tăng sinh bàng quang (sa bàng quang).
Làm những công việc stress, nặng nhọc quá sức: Đây cũng là lý do ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như các nội tiết tố trong cơ thể. Từ đó gián tiếp tác động đến nguy cơ xảy ra sa bàng quang.
Một số nguyên nhân khác: Bất kỳ một căn bệnh nào ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến mô bàng quang, mô cơ âm đạo đều có thể là nguyên nhân tác động gây sa bàng quang ở phụ nữ như táo bón, cắt tử cung, ho mãn tính,…
3. Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh sa bàng quang
Các triệu chứng sa bàng quang thường hay nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, hầu hết khi mắc bệnh, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:
- Bị rối đường tiểu: người bị sa bàng quang thường bị khó tiểu, bí tiểu, tiểu rắt, tiểu đau, tiểu không tự chủ. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ và can thiệp ngay lập tức bởi có khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang rất nguy hiểm
- Đau vùng thắt lưng: là triệu chứng cảnh báo bệnh sa bàng quang mặc dù nó thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên người bệnh dễ bỏ qua
- Đau nhức, khó chịu tại vùng chậu: Đặc biệt là có cảm giác như có vật gì sắp rơi ra ngoài âm đạo, đau nhức ở vùng âm đạo, vùng chậu và bụng dưới. Đau tăng lên khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc ráng sức.
- Đau khi quan hệ tình dục: bàng quang sa vào âm đạo khiến người bệnh dễ bị đau nhức, khó chịu khi quan hệ tình dục
- Có bướu trong âm đạo: Ở mức độ sa bàng quang nặng (mức độ 3 trở lên), người bệnh có cảm giác như ngồi trên một quả trứng, bởi toàn bộ bàng quang đã bị sa hoàn toàn. Nếu nằm nghỉ hoặc đứng, triệu chứng này sẽ biến mất.
4. Các phương pháp điều trị sa bàng quang
Phương pháp điều trị sa bàng quang còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh.
- Với trường hợp bệnh nhẹ: người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập Kegel để tăng sức đàn hồi cho vùng sàn chậu. Tuy nhiên, họ vẫn phải thăm khám bác sĩ thường xuyên để xem tình trạng bệnh có thực sự phục hồi hay không.
- Với trường nặng hơn: người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ. Một số phương pháp được đưa ra như sử dụng dụng cụ hỗ trợ vòng nâng âm đạo để đặt vào âm đạo nhằm hỗ trợ bàng quang; liệu pháp estrogen (kem bôi âm đạo, thuốc đặt hay vòng đặt) được dùng trong trường hợp đang ở thời kỳ mãn kinh, giúp giữ cho cơ xương chậu khỏe hơn.
- Với trường hợp bệnh nghiêm trọng: Với những phương pháp ở trường hợp nặng không còn hiệu quả nữa, người bệnh bắt buộc phải phẫu thuật để điều trị nâng bàng quang về lại đúng vị trí, loại bỏ các mô thừa và thắt chặt các cơ, dây chằng của sàn chậu.
5. Cách phòng ngừa sa bàng quang
Để phòng ngừa bệnh sa bàng quang, người bệnh cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:
- Không nên đẻ quá nhiều, đẻ quá dày, đẻ quá sớm. Nên sinh con ở cơ quan y tế uy tín để đẻ an toàn và đỡ đẻ đúng kỹ thuật
- Phát hiện kịp thời và điều trị dứt điểm các bệnh dễ tăng áp lực ổ bụng như táo bón, ho kéo dài,…
- Hạn chế tăng cân quá mức, nhất là thời gian mang thai và sau khi sinh con. Kiểm soát cân nặng tốt sẽ giúp cơ quan vùng sàn chậu không bị quá tải
- Quá trình sinh con không nên để thời gian chuyển dạ quá lâu, không nên rặn đẻ quá lâu. Đặc biệt sau khi sinh, các thủ thuật khoa sản phải làm đúng kỹ thuật, đúng chỉ định để tránh gây sang chấn cho âm đạo và tầng sinh môn. Nếu rách tầng sinh môn, dù nhỏ cũng phải khâu lại.
- Không nên lao động nặng, lao động quá sớm sau khi sinh con
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh sa bàng quang và cách chữa trị. Hi vọng quý vị sẽ tìm thấy được thông tin bổ ích và phòng tránh được căn bệnh này một cách tốt nhất.